Home / Văn Hóa / Tin-Sự Kiện / Bà Đoàn Hương là tiến sĩ nhưng thua cả ca sĩ Hồ Ngọc Hà cả một cái đầu

Bà Đoàn Hương là tiến sĩ nhưng thua cả ca sĩ Hồ Ngọc Hà cả một cái đầu

BÀ ĐOÀN HƯƠNG LÀ TIẾN SĨ NHƯNG THUA CA SĨ HỒ NGỌC HÀ MỘT CÁI ĐẦU

Thưa chị, dù có căm căm ghét mạng xã hội đến bao nhiêu và dù chị đã không chỉ một lần đăng đàn để chê trách mạng xã hội vì đã chạm đến sự tôn nghiêm của chị, thì chị và tôi cũng như cả loài người đều đang tồn tại trong một giai đoạn hết sức đặc biệt, gọi là thời đại thông tin. Tốt hay xấu, muốn hay không thì thực tế đó không thể đảo ngược.

Trong thời đại như vậy, mỗi con người đều cần phải rèn cho mình những kỹ năng và bản lĩnh để làm con người bình thường của thời đại thông tin, đặc biệt là đối với trí thức như chị và tôi: Đó là không bao giờ được đổ lỗi cho người khác mà tự chịu trách nhiệm trước việc làm của mình trước công luận, đặc biệt là không bao giờ được đổ lỗi cho số đông.

Bất cứ ai, từ trẻ đến già, đều phải học và rèn luyện kỹ năng ứng xử với truyền thông để khi gặp chuyện không may vẫn có khả năng toàn vẹn để sống một cách vui tươi, lạc quan và hữu ích.

Chị và ca sĩ Hồ Ngọc Hà đều là người nổi tiếng, đều được yêu cuồng nhiệt và được ghét cũng cuồng nhiệt. Có người còn gọi chị là “người đàn bà đáng ghét nhất Việt Nam”, còn Hồ Ngọc Hà thì bị chỉ trích là “Hồ li tinh”.

Trong bối cảnh đó chị đã chọn con đường thể hiện tính tự tôn để khẳng định mình là “nhà khoa học”, để đứng ở trên cao đăng đàn trên ti-vi mắng nhiếc, trách móc thiên hạ với những lời lẽ mà tôi không tiện nhắc lại ở đây, bao gồm cả việc chị gọi chúng tôi là “đám quần chúng không hiểu biết gì”.

Còn ca sĩ Hồ Ngọc Hà lại khác chị. Mặc dù cô ta chỉ đáng tuổi gọi chị là bác, là bà, nhưng khi gặp sự cố, cô ta không đắc ý cậy thế mình là “siêu sao”, là “nữ hoàng” (là những ưu thế mà cô ta có thật).

Ngược lại, cô ta đã lựa chọn sự im lặng, không dám khinh khi đại chúng mà biết tìm cách khéo léo xin lỗi dư luận, thậm chí nhẫn nại chứng minh con người của cô ta bằng sự siêng năng của một con người yêu nghề nghiệp ca hát, giỏi kiếm tiền và lao động chăm chỉ. Biết kiềm chế và im lặng, thưa chị đó cũng là một sản phẩm cao cấp của con người hiện đại. Nó đòi hỏi phải vượt lên trên bản thân và cần đến lòng dũng cảm.

Như vậy, xét về một số phẩm chất căn bản, xét về bản lĩnh và kỹ năng ứng xử với truyền thông thì chị thua xa ca sĩ Hồ Ngọc Hà, thua hẳn một cái đầu.

Nhận xét của tôi có thể gây sốc cho không ít người, nhưng cũng có thể sẽ được một bộ phận cư dân mạng, những người bị chị mắng nhiếc là “đám người không biết gì” đồng tình, ủng hộ. Nhưng với tôi đó không phải là mục đích. Cái mà tôi mong muốn là qua việc so sánh này để tự răn mình và nhắc nhở để nhiều người tỉnh ngộ, bớt ảo tưởng về bản thân và thích nghi với một thời đại đang không ngừng biến đổi, trong đó truyền thông đại chúng vừa là công cụ, vừa là vũ khí, có tốt và có xấu.

Trong một xã hội lấy bình đẳng và tôn trọng quyền con người làm thước đo thì cái tốt và cái xấu hoàn toàn lệ thuộc vào chính nhân cách của chúng ta khi đối diện trước công luận.

Với cuộc phỏng vấn vừa qua với truyền hình, chị và anh Bùi Hiền đã để lộ ra một nhược điểm rất to lớn, để lại tiếng xấu cho giới khoa học Việt Nam.

Đó là cách làm việc tắc trách, cẩu thả đến mức trở thành xem thường thiên hạ: Dám công bố một đề tài chưa hoàn chỉnh, “chưa được hội đồng khoa học” nào đó đánh giá kết luận, cũng “chưa được các bộ ngành” duyệt về chủ trương (như chị đã thông báo) để tiếp cận với đại chúng!

Vì chưa hoàn chỉnh và hiển nhiên là còn khiếm khuyết nên bị cộng đồng phát hiện nhược điểm, chê trách thì có gì lạ?

Hơn nữa việc đề tài này được đưa ra vào thời điểm hiện nay, dù là bị rò rỉ như một tai nạn, hay có dụng ý thăm dò dư luận thì đối với đại chúng cũng đều như nhau. Xét về mặt trách nhiệm và khía cạnh luật pháp, không thể trách cứ và mắng nhiếc người dân mà phải trách chính cách làm cẩu thả của tác giả.

Bản thân tôi rất coi trọng khía cạnh thẩm mỹ của sự vật, bởi đó là yếu tố chỉ định cấp độ văn hóa quan trọng để đánh giá sự vật. Đưa ra một mô thức chữ viết mà người đương thời, dù chỉ là cảm nhận bằng trực giác đều thấy vô cùng xa lạ (mà chính chị cũng thừa nhận là chẳng hiểu gì, phải học lại từ lớp 1).

Cấu trúc ngôn ngữ viết hoàn toàn xa lạ so với chữ La-tinh truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí rất xấu xí so với tiếng Đức, Anh ngữ, Pháp ngữ… Không những thế cấu tạo lối ghép âm còn gây ấn tượng phản cảm bởi những hình tượng gợi đến những khái niệm tục tĩu như người dân đang cảnh báo.

Một sản phẩm như vậy, giả sử có nội hàm khoa học thì vẫn đáng bị đánh giá là thiển cận, thiếu thực tế, không thiết thực, thiếu thông thái, thiếu tầm nhìn văn hóa, thậm chí là thiếu chín chắn về chính trị.

Với chữ quốc ngữ hiện nay có thể khẳng định hầu hết tất cả những ai đang sử dụng chữ la tinh trên trái đất đều có khả năng đánh vần và phát âm khá chính xác các cụm từ tiếng Việt. Nhưng điều này là không thể nào xảy ra khi họ tiếp cận với bộ chữ cái do anh Bùi Hiền sáng tạo.

Tên tôi là Thắng. Bất kỳ người nước ngoài ai cũng có thể đánh vần và phát âm gần đúng với tên gọi của tôi. Nhưng nếu được viết theo font chữ của anh Bùi Hiền thì tên của tôi sẽ là “Waq”. Tôi bảo đảm rằng 100% người trên hành tinh này sẽ không thể nào đánh vần và phát âm đúng theo ngữ âm La tinh tên của tôi mà sẽ xướng tên tôi bằng âm của Hoa ngữ để cuối cùng sẽ kết luận tôi là một người Trung Hoa – “Mister Waq” (!)

Những ví dự tương tự vô vàn trên mạng xã hội. Các nhà chuyên môn nên khiêm tốn tham khảo và tiếp thu. Với cách làm đó, anh Bùi Hiền đã vạch sẵn con đường để đưa chữ Việt và cả tiếng Việt tách ra khỏi cộng đồng ngôn ngữ thế giới, không những biệt lập với thế giới mà còn gắn cho nó một màu sắc lệ thuộc. Cái đó không thể gọi là công, mà là tội.

Là một nhà khoa học, nhưng anh Bùi Hiền chỉ mới đưa ra một vài tiện ích hữu dụng nếu thực hiện cải cách ngôn ngữ theo cách của anh, tức là quốc dân sẽ tiết kiệm được 31/38 chữ cái hiện hành, tiết kiệm được 8% giấy viết cho quốc gia. Nhưng anh lại vô tình hoặc hữu ý đã bỏ qua việc cảnh báo cho toàn dân biết rằng rằng việc này sẽ kéo theo hàng TRĂM NGHÌN THỨ HỆ LỤY, LÃNG PHÍ KHỔNG LỒ VỀ THỜI GIAN VÀ TIỀN BẠC CỦA QUỐC GIA, CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM, từ lĩnh vực hành chính, khoa học, văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông cùng với hàng trăm nghìn tỷ công quỹ để biên dịch, cập nhật, để duy trì toàn bộ kho tàng thông tin quốc gia trong trăm năm qua.

Điều này nói lên dù là một đề án khoa học, nhưng việc đề xướng nó như một đề án cải cách thì mới chỉ dừng lại ở mức độ khoa học hình thức, thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm. Nhân dân phát hiện ra những sơ hở, phản biện, phê phán là hoàn toàn đúng và có cơ sở do đó nên tiếp thu.

Nói về nguyên nhân phản ứng gay gắt của dư luận, tôi cho rằng nhiều năm nay, ngoài việc các nhà ngôn ngữ loay hoay với những mục tiêu mang tính cầu toàn, tôi chưa thấy một cơ quan nào, lĩnh vực hoạt động nào của xã hội nào, từ văn hóa, giáo dục đến hành chính quốc gia đưa ra lời phàn nàn về sự bất hợp lý của chữ Việt quốc ngữ.

Thậm chí đi tới nước nào, ở diễn đàn quốc tế nào chúng tôi cũng có bổn phận khoe với thế giới bằng niềm tự hào to lớn rằng Việt Nam là đất nước tiên phong xóa xong nạn mù chữ. Bởi vậy, sự xuất hiện đề tài khoa học của anh Bùi Hiền vào thời điểm hiện nay, đối với đại chúng là quá bất ngờ và đột ngột, đột ngột đến mức dẫn đến phản ứng phòng vệ từ phía dư luận.

Tôi và một số bạn bè đều có cảm giác bị sốc như thể nghe tin đất nước đang đứng trước nguy cơ ngoại xâm và các giá trị cuộc đời đang có nguy cơ bị đảo lộn.

Xin đừng gọi đó là sức ỳ, là “thói quen khó thay đổi” như chị và anh Bùi Hiền đã mỉa mai chúng tôi. Từ sâu xa, những điều này đều bắt nguồn từ những góc khuất thiêng liêng của tình cảm, tiềm ẩn trong mỗi con dân nước Việt, liên quan đến truyền thống và những giá trị văn hóa căn bản cần được kế thừa của dân tộc, là cội nguồn của lòng tự tôn, của phẩm chất trung thành, mà trong đó chữ viết là một thứ thiêng liêng nên không thể chỉ dừng lại trong khái niệm của một đề tài khoa học và là công việc chỉ dành riêng cho cái gọi là “hội đồng khoa học” nào đó.

Thưa chị Đoàn Hương, bây giờ chúng ta hãy tạm gác sang bên các vấn đề về chuyên môn để cùng nhau nhìn vào một sự thật: Trong những năm gần đây có thể nói là chưa từng có một đề tài khoa học nào, một sáng kiến đổi mới nào, thậm chí một chủ trương nào của Nhà nước mà lại nhận được sự quan tâm nhiệt tình, ào ạt của đông đảo nhân dân như đối với “đề xuất” của anh Bùi Hiền.

Nếu xét theo khía cạnh lợi ích chung thì đó là điều đáng mừng. Điều đó bắt nguồn từ nhiều lý do, trong đó có một lý do rất căn bản: Lo sợ rằng nếu dự án cải cách này vì một lý do nào đó mà được thực hiện thì tất cả kho tàng tri thức, văn chương, những bằng chứng lịch sử sống còn của dân tộc Việt nam mà nhiều thế hệ đã viết bằng xương máu trong suốt thế kỷ qua sẽ bị lãng quên trong một tương lai gần.

Không ai có thể bỏ ra một thế kỷ sắp tới và bỏ ra một núi ngân sách khổng lồ để dịch để in lại bấy nhiêu bằng chứng và văn hóa của một thế kỷ đã qua ra một thứ chữ oái oăm và xa lạ.

Nếu đó là hiện thực thì những bằng chứng lịch sử rồi đây sẽ trống rỗng, văn hóa sẽ trống rỗng, ngoại trừ một vài ấn phẩm được lựa chọn để dịch và in bằng chữ viết của giáo sư Bùi Hiền. Bởi vậy, sự quan tâm, xao xác lo âu của nhân dân, thậm chí cả sự cay nghiệt của dư luận là hoàn toàn có lý do, cần được lắng nghe và tôn trọng.

Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra tiếng nói của đại chúng trong những ngày qua đã cho thấy một kết cục rằng, việc cải tiến chữ viết quốc ngữ là chưa phù hợp với tình hình phát triển và các nhiệm vụ của đất nước hôm nay, chưa phù hợp với thực trạng chữ quốc ngữ tiếng Việt đang cần được củng cố và ổn định hơn bao giờ hết, bởi đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần khẳng định tính độc lập và chủ quyền của đất nước Việt Nam trong tình hình quốc tế hiện nay

Và cuối cùng, thưa chị, phải thừa nhận rằng nhân dân ta rất tinh tường, rất sáng suốt và cũng có ý thức cảnh giác cao độ khi họ bị đặt trước các vấn đề to lớn nhạy cảm của quốc gia, cho dù cái mà họ đối diện là “khoa học cao siêu”.

Lịch sử cũng cho thấy không riêng gì dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại đều đã quá quen thuộc và phải cảnh giác cao độ với những biến tướng, suy đồi của những cái bất thường và những điều bất ngờ, nhiều lần chứng kiến các thế cuộc bị xoay vần bởi những thứ cứ tưởng chỉ là ngô nghê và nghịch lý, trong đó gồm cả lĩnh vực khoa học.

Thưa chị, không phải cứ hễ là “nghiên cứu”, cứ là “ý tưởng mới” đều xứng đáng được gọi là phụng sự tiến bộ và phát triển. Khoa học cũng không phải là pháo đài pha-lê bất khả xâm phạm.

Cũng chính những nhà khoa học đã tạo nên chất độc giúp Hít-le giết chết hàng chục triệu sinh mạng tại các trại tập trung ở Bukhenvan và Auschiwitz. Cũng có những nhà nghiên cứu rất thông thái đã và đang cố tạo ra các các căn bệnh chết người để đơn giản là… bán thuốc, chế ra siêu vũ khí hủy diệt hàng loạt phục vụ các mục đích diệt chủng, chống lại văn minh, tiến bộ.

Và đừng quên rằng không ai khác, cũng chính các nhà khoa học đã tạo ra chất độc màu da cam, đang chế ra các chất vỗ béo, các loại thuốc kích thích tăng trưởng để đầu độc dân tộc Việt Nam.

Bởi vậy, cùng một thế hệ với chị, chúng ta không nên quên câu chuyện về Juliut Fuxik, một người cộng sản chống chủ nghĩa phát xít, trước giờ phút bước lên giá treo cổ của Hít-le, Ông đã gửi lại lời nhắn nhủ cuối cùng với hậu thế:

“Hỡi nhân loại, xin hãy cảnh giác”

Sự thật: Bùi Hiền – Một kẻ đạo ngữ đích thực!!!

 

(Mr T)

About 360thitruong

Check Also

Giải ảo lịch sử về Huyền Trân công chúa

Huyền Trần công chúa là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong ...

Trả lời