Home / Xã Hội / Gia Đình & Xã Hội / Xin đừng cứu trợ mì tôm nữa, người dân vùng lũ cần tiền hơn

Xin đừng cứu trợ mì tôm nữa, người dân vùng lũ cần tiền hơn

Cái quan trọng nhất người dân vùng lũ cần hiện nay là tiền, tiền để lo chi phí nằm viện, tiền để sửa sang, dựng lại nhà, tiền để mua lại tài sản bị lũ cuốn trôi. Tất cả tấm lòng thiện nguyện hướng về đồng bào đang hứng chịu bão lũ đều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng xin mọi người hãy từ bỏ tư duy cứu trợ của thập niên trước đi, nếu có tiền mặt đừng mua mì tôm, nước mắm cho người dân vùng lũ nữa. Trước khi đi cứu trợ nên tìm hiểu người dân ở địa phương ấy đang rất cần những gì. 

“Tôi sinh ra tại Đại Lộc – Quảng Nam, nơi mà hằng năm có ít nhất 1 trận bão hoặc cơn lũ. Dân quê tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng ứng phó và chuẩn bị, đó cũng là lý do sao mà nhà cửa ở đây hầu như có gác hoặc xây kiên cố dù gia cảnh nhiều người còn khó khăn.

Lũ về thì mùa màng năm sau mới được phù sa bồi đắp tốt chứ không hẳn tiêu cực hoang tàn. Trời chuyển mưa dân quê đã biết dự đoán có lũ về hay không, tất nhiên lũ to nhỏ còn do thiên nhiên nhưng vẫn chủ động chuẩn bị mớ gạo mắm, đủ chống đói trong thời gian cả tuần.

Mỗi lần lũ quét, đài báo thiệt hại hàng tỷ, cứu trợ hàng tỷ này tỷ nọ… nhưng đến tay dân cũng không có gì nhiều hơn mì tôm, gạo (có khi gạo mốc), nước mắm hoá chất.

Năm 1999 trận lũ lịch sử, tôi đi nhận gạo 1 lần bị gạo mốc, lần thứ 2 nhận được 1,5 gói mì tôm vì lý do nhà 3 khẩu, mỗi người nửa gói. Tôi luôn tự hỏi sao ai cũng đi cứu trợ bằng mì tôm? Hay làm cho có phong trào? Như làng tôi ở, nước chỉ ngâm thôi, đường bê tông hoá không có gì phải gọi là thiệt hại. Lũ ngâm có 1-2 ngày là bình thường. Khổ nhất của lũ là dọn nhà khiêng đồ và dọn bùn non!

Thường mất mát lớn nhất và thiệt hại sau lũ là hoa màu, vật nuôi và ô nhiễm môi trường. Làm gì đến nỗi bà con làng tôi đói mà phát mì tôm. Sao không xác định được ai hay khoanh vùng nào đang đói, ai đang cần thực phẩm cứu đói khẩn? Cũng giá trị tương đương thùng mì tôm thì sao không quy đổi các vật dụng hay nhu yếu phẩm khác phù hợp từng khu vực (nơi bị quét nặng hãy cho thực phẩm mì gạo dầu, nơi chỉ bị ngâm thì nên cho giống…).

Lũ rút xong các xe từ thiện chở mì tôm về phát và hài hước hơn như hôm nay xem hình từ quê gởi lên là mỗi nhà 1 thùng mì tôm kèm 1 ổ bánh mì! Mà làng tôi rõ ràng không bị cô lập hay đói, sao không dành những phần quà này đến những vùng cần khẩn cấp hơn, các vùng họ thật sự bị mưa đói những ngày qua và đang ngóng chờ?

Từ thiện là tốt, tương trợ là tốt nhưng mảng tối sau lưng đó là gì? Làm cho khoẻ, cho nhanh mà được tiếng đùm bọc nên cứ mua mì tôm, không cần biết chỗ đó có nhất thiết phải cứu trợ không? Họ có cần không?

Xin đừng phát đại trà, hãy để dành những phần quà tới tay những hoàn cảnh thật sự khó khăn, cứu đúng nơi và đúng người, đúng việc!

MỘT SỐ MONG MUỐN THIẾT THỰC CỦA NGƯỜI DÂN SAU BÃO LỤT NẾU CÓ THỂ NGOÀI MÌ TÔM:

Tập trung cho các vùng lũ mỗi huyện vài xe phun nước rửa đường. Thông thoáng đường xá cho con trẻ đến trường. Dồn tiền tặng mỗi xã vùng lũ vài máy phát điện cho dân dùng liên lạc thông tin khi nước rút. Đặt mỗi cụm 1 máy cho bà con dùng trong khi chờ điện cao thế.

Cho mỗi gia đình vùng lũ vài chục thùng nước sạch (loại 20 lít) dùng nấu và uống trong khi chờ khơi trong giếng. Ví như 1 thùng mì thì nên cho 4 thùng nước 20 lít (tương đương nhau, mỗi thùng nước chỉ 10.000 đồng).

Cho mỗi hộ đèn sạc dự phòng cho đêm hôm mất điện. Một cái đèn sạc tương đương 2-3 thùng mì tôm. Những mạnh thường quân nhỏ lẻ vẫn có thể mua vì kinh phí không quá cao.

Nếu có thể cho tiền mặt cho dân tự mua thứ họ cần (ít nhiều tuỳ lòng), giúp các gia đình neo đơn, hộ nghèo trong làng. Không nên phát đại trà, ai cũng có phần cho vui.

Cho mỗi làng cái ghe nhôm để cứu hộ, cho phao và áo phao, cho tủ thuốc y tế? Mỗi áo phao bằng 2 thùng mì; hoặc 1 tủ thuốc, túi thuốc bằng 1 thùng mì.

Cho mỗi nhà vài đôi ủng đi cho khỏi lỡ loét nước ăn chân.

Cho mỗi trường học 1 máy bơm công suất to hoặc 1 máy phát điện cho thầy cô đỡ vất vả quét dọn bùn non khi nước rút.

Hay cho các phiếu khám sức khoẻ, thuốc bổ và điều trị theo dõi miễn phí cho trẻ em và người già tại vùng ngập lụt.

Có chế độ hỗ trợ đặc biệt cho gia đình người chết, hỗ trợ con em họ đến trường hoặc nuôi đủ 18 tuổi. Lo cho người ở lại, hỗ trợ mai táng kịp thời.

Hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về giống và vật nuôi, tái đàn hoặc cho vốn ban đầu…

Bao nhiêu thứ thiết thực không làm, sao các đoàn cứ chạy xe ầm ầm về làng, nhà nhà vui vẻ nhận thùng mì tôm trong khi không bị đói, nhưng vì cho thì dân họ nhận. Có thật sự đùm bọc gì không hay người dân nhận vô tình làm bình phong cho các đoàn từ thiện có cớ giải ngân?

Có nhiều thứ để tặng, để biếu, để hỗ trợ, cớ sao cứ là Mì Tôm? Cớ sao cứ là nước mắm? Những nhu yếu phẩm này dân họ mua trữ trong nhà rồi ạ!

Mong các tấm lòng hảo tâm khi đi làm từ thiện hãy mang giá trị trao đúng nơi, đúng người và đúng hoàn cảnh, lúc đó xã hội mới được cứu rỗi. Đừng làm vì hình ảnh, vì sự hô hào mà hãy vì mỗi hoàn cảnh cần giúp đỡ thật sự mà chia sẻ và hỗ trợ phù hợp.

Đã vượt đường sá xa xôi đến giúp dân thì hãy giúp đúng người, đúng việc để những tấm lòng và món quà trao đi thật sự ý nghĩa. Rất mong các anh chị bạn bè khi làm từ thiện hãy tìm hiểu thực trạng và mong muốn của dân vùng lũ. Được quan tâm ai cũng quý, trân trọng lắm, cũng ấm lòng nhưng được hỗ trợ đúng nhu cầu thì sẽ tốt hơn biết nhường nào”.

Người dân miền Trung bức xúc vì quà lũ lụt toàn vào nhà CÁN BỘ

Trong đợt cứu trợ lũ lụt vừa qua, nhiều gia đình nghèo, cụ già neo đơn, tàn tật, ốm đau tại xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa không được nhận quà, trong khi hàng chục suất quà lại rơi vào các gia đình cán bộ thôn khiến người dân vô cùng bức xúc, phẫn nộ.

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân thôn 4, xã Thiệu Dương, việc cán bộ thôn phân bổ quà lũ lụt từ các đoàn từ thiện không công bằng. Mới đây nhất, có đoàn của một ngôi chùa trong Bình Dương đến xã này để trao 170 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, trong đó có 1 yến gạo, chăn, quần áo ấm, bát, 300.000 đồng tiền mặt và 1 đoàn tăng ni phật tử của một ngôi chùa trên địa bàn với 100 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng.

Cụ Cúc (ảnh trên), cụ Lược (ảnh dưới) ngậm ngùi cho biết nhà chỉ nhận được mấy gói mì tôm sau lũ lụt

Người đứng đầu trong đoàn khi đến đã thông báo số phần quà trên sẽ dành cho những gia đình người già, cô đơn, bệnh tật, ốm đau thế nhưng theo người dân ở đây thì rất nhiều người già, bệnh tật, ốm đau lại không có trong danh sách nhận quà. Người dân phản ánh hàng chục suất quà được bố trí cho gia đình cán bộ thôn như: Thôn trưởng, Bí thư thôn, cán bộ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, đều là những hộ có điều kiện khá giả.

Người dân ở đây cũng liệt kê ra một loạt các hoàn cảnh đặc biệt như: Ông Dương Văn Tiệu (80 tuổi), dù ông Tiệu mắc đủ thứ bệnh, cuộc sống nghèo khổ. Sau lũ lụt, nhà ông Tiệu lại càng khó khăn hơn thế nhưng ông Tiệu cho đến nay cũng chỉ nhận được 5 gói mì tôm. Nhà ông Dương Văn Nguyên (93 tuổi) đang nuôi vợ là Dương Thị An (93 tuổi) bị liệt; nhà bà Dương Thị Cúc (80 tuổi), bà Hà Thị Sánh (78 tuổi), hoàn cảnh khó khăn thế nhưng cũng chỉ được nhận ít mì tôm từ những đợt cứu trợ trước đó.

Rất nhiều người dân bức xúc kéo ra thôn nêu ý kiến “Ông Yêng là Bí thư thôn, ông Thanh là Trưởng thôn, cả hai đều trong danh sách nhận quà. Ngoài ra, còn cán bộ phụ nữ, cán bộ hội nông dân. Gần 300 suất quà mà người nghèo chỉ có 1-2% thôi còn nhà 2, 3, 4 tầng đến nhận hết. Tôi không nói để đòi cho gia đình tôi, mà tôi nói để đòi quyền lợi cho bà con. Nhiều gia đình cụ già ốm đau, bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường không được gì cả. Còn họ vừa khỏe mạnh, vừa làm cán bộ, có điều kiện mà lại lợi dụng thì không thể chấp nhận được” – ông Nguyễn Văn Lan, thôn 4 nói.

Ông Dương Đình Tạo, 72 tuổi (thôn 4, Thiệu Dương) hiện đang nuôi vợ bệnh thần kinh. Ông cho biết, sau đợt lũ lụt vừa qua, lúa gạo, gà lợn trôi hết, chẳng còn gì. Cho đến thời điểm này, ông nhận được 1 yến gạo, 1 thùng mì tôm và 1 lần 6 gói mì tôm.

“Bình thường thì ai làm người nấy ăn, chúng tôi có đói nghèo cũng không trông chờ gì vào nhà nước cả. Thế nhưng, không may thiên tai, lũ lụt nên người dân mới khổ vậy. Thế nhưng, họ không công bằng gì cả, kể ra thì quá đáng lắm. Có 1 lần thôn phát cho nhà tôi 5 gói mì tôm rồi sau đó lại gọi gia đình ra lấy thêm 1 gói nữa. Rất nhiều nhà vì tức mà không ra lấy nữa” – ông Tạo ngậm ngùi.

Trao đối về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương, cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân và xác nhận có việc quà được trao cho người thân của lãnh đạo thôn.

“Đoàn này họ không làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã mà thông qua mặt trận, sau khi có thông tin tôi đã có kiểm tra và đúng có tên vợ của bí thư thôn và trưởng thôn trong danh sách nhận quà” – ông Tuấn thông tin.

Bức xúc vì bí thư, trưởng thôn trao quà hỗ trợ lũ lụt cho vợ

Thay vì trao các suất quà hỗ trợ thiệt hại lũ lụt cho người có điều kiện khó khăn, già cả neo đơn, các lãnh đạo thôn 4 ở TP Thanh Hóa lại trao cho những nhà có điều kiện và vợ của mình khiến người dân bất bình.

Rất đông người dân thôn 4, xã Thiệu Dương bức xúc trước việc làm của lãnh đạo thôn này

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân ở tại thôn 4, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đang rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương trao quà hỗ trợ bà con bị thiệt hại do lũ lụt của các đoàn từ thiện cho dân bị ảnh hưởng trận lũ lịch sử ở địa phương đầu tháng 10 vừa qua, nhưng trao toàn cho người khá giả, có điều kiện và người thân của cán bộ thôn, trong khi đó người nghèo, người già neo đơn thì không được.

Theo đó, vào ngày chủ nhật (5-11), một đoàn từ thiện của ngôi chùa ở tỉnh Bình Dương có về xã Thiệu Dương ủng hộ 170 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Cũng trong ngày, 100 suất quà, trị giá mỗi suất 500.000 đồng cũng được nhà chùa trên địa bàn xã trao cho những đối tượng khó khăn, người già, neo đơn.

Clip người dân bức xúc trao đổi với phóng viên về việc làm thiếu công bằng của lãnh đạo thôn 4, xã Thiệu Dương

Thế nhưng, điều khiến người dân thôn 4, xã Thiệu Dương bất bình là hàng chục suất quà không được trao cho người nghèo, khó khăn, già cả neo đơn mà được trao cho toàn người có điều kiện, nhà lãnh đạo thôn.

Ông Nguyễn Văn Lan (ngụ thôn 4) bức xúc: “Đoàn từ thiện về trao quà nhưng chẳng thấy trao cho người nghèo, người già mà toàn thấy vợ trưởng thôn, bí thư ra nhận quà, trong khi nhiều gia đình có 2 vợ chồng già, neo đơn thì không được mà toàn những nhà 2, 3 tầng được nhận. Các anh không tin, tôi dẫn các anh đi từng nhà. Chúng tôi thấy thiếu công bằng nên đã phản ánh lên xã để đòi lại công bằng chứ không đòi cho chúng tôi”.

Cũng theo người dân, cấp ủy thôn 4 có khoảng 10 người thì có 8 người đều được nhận quà (trị giá 1 triệu đồng). Thậm chí, nhà ông Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Yêng có căn nhà 3 tầng ở giữa thôn nhưng vợ vẫn đi nhận quà hỗ trợ lũ lụt, trong khi gia đình ông Dương Đình Tạo (72 tuổi) nuôi vợ bị bệnh thần kinh, nhà rất khó khăn lại không có trong danh sách được nhận.

Căn nhà của Bí thư Chi bộ thôn 4 Nguyễn Văn Yêng to nhất nhì thôn nhưng vợ vẫn có tên trong danh sách đi nhận tiền hỗ trợ hậu quả lũ lụt

Theo phản ánh của ông Dương Đình Tạo, gia đình ông 3 lần được nhận hỗ trợ sau lũ lụt, lần thứ nhất là thùng mì tôm, lần thứ 2 là 10 kg gạo và lần cuối cùng là 6 gói mì tôm. Tất cả những lần đó không được nhận tiền. “Lần ủng hộ vừa rồi gia đình không hề được nhận. Chúng tôi cũng không mong muốn thiên tai để nhận những suất quà ấy, nhưng làm gì cũng phải cho công bằng. Hầu hết người già, nghèo khó trong thôn không được nhận”- ông Tạo nói.

Để làm rõ thông tin trên, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Yêng, Bí thư Chi bộ thôn 4,  và được ông hẹn lên nhà văn hóa thôn làm việc. Tuy nhiên, khi phóng viên tới thôn thì không có ai, gọi điện thoại thì ông Yêng đã tắt máy.

Ông Nguyễn Văn Lan, người dân thôn 4, xã Thiệu Dương, kể lại việc trao quà mà người dân bất bình

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương, cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân và xác nhận có việc quà được trao cho người thân của lãnh đạo thôn.

“Đoàn này họ không làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã mà thông qua Mặt trận Tổ quốc xã, đơn vị này lập danh sách chứ xã không lập. Tôi đã có kiểm tra và đúng có tên vợ của bí thư thôn và trưởng thôn trong danh sách nhận quà. Tôi đang giao cho mặt trận kiểm tra lại việc này”- ông Tuấn thông tin.

Cũng theo lãnh đạo xã Thiệu Dương, khi có các đoàn về trao qùa họ có thể xuống trực tiếp dân hoặc qua các đoàn thể để nắm danh sách dưới các thôn. Người lập danh sách chính là bí thư và trưởng của từng thôn.

 

Đỗ Vân (theo một người dân đang sống ở vùng lũ)

About 360thitruong

Check Also

Bí thư Hạ Long thẳng thắn về chuyện chị bán rong bị phường thu hàng hóa

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Văn Diện đã có những “mổ xẻ” rất ...

Trả lời