Home / Xã Hội / Giao Thông / Xây sân bay An Giang: Chưa phải lúc!

Xây sân bay An Giang: Chưa phải lúc!

Dư luận lại một lần nữa băn khoăn khi tỉnh An Giang đưa dự án sân bay An Giang vào danh mục các dự án mà tỉnh mời gọi đầu tư tại Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL năm 2017, sẽ diễn ra vào ngày 25-10 tại Cần Thơ.

Vấn đề gây tranh cãi là giai đoạn hiện nay có cần thiết gấp rút mời gọi đầu tư sân bay An Giang không trong khi dự án này vào tháng 8-2016 đã được đưa ra khỏi danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Lãng phí

Tháng 6-2011, bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định 1166/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch sân bay An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, địa điểm xây dựng sân bay An Giang tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành.

Ngay sau khi công bố quy hoạch trên, dự án sân bay An Giang đã vấp phải nhiều phản ứng của dư luận khi cho rằng xây dựng thêm sân bay ở An Giang là lãng phí. ĐBSCL đã có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và các sân bay Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc.

Đến năm 2013, tỉnh An Giang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện dự án sân bay An Giang theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) nhưng chưa tìm được nhà đầu tư.

Tháng 3-2016, Cục Hàng không Việt Nam trong tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện việc điều chỉnh chuyển sân bay An Giang thành sân bay chuyên dùng. Lý giải của Cục Hàng không Việt Nam là hoạt động bay dân dụng của sân bay An Giang được tính toán là thấp, không có nhu cầu bay dân dụng. Theo đó, sân bay An Giang đóng vai trò sân bay nội địa, bay taxi, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, có thể phát triển bay khai thác khi có thị trường.

Đến tháng 8-2016, tại hội nghị về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, dự án sân bay An Giang được đưa ra khỏi danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, không rõ vì sao An Giang vẫn quyết tâm với dự án sân bay và sắp tới tiếp tục đưa dự án này mời gọi đầu tư.

Xây sân bay An Giang: Chưa phải lúc! - ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (ảnh) chưa khai thác hết công suất nên không cần thiết xây sân bay An Giang. Ảnh: G.TUỆ

Chưa cần thiết

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Theo tôi, việc đầu tư sân bay An Giang hiện nay chưa cần thiết. Tỉnh đang còn nhiều dự án, công trình bức thiết khác cần nguồn vốn trung ương hỗ trợ hoặc cần kêu gọi các nhà đầu tư tham gia; đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, các dự án dân sinh, chứ không cứ nhất thiết phải đưa sân bay mời gọi đầu tư”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, nhìn nhận dự án sân bay hiện không đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016-2020. “Tuy nhiên, tỉnh mời gọi đầu tư mà có nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước quan tâm thì họ bỏ vốn đầu tư trong khi nguồn ngân sách trung ương cũng như tỉnh không có thì quá tốt. Nhưng vấn đề là phải đảm bảo theo quy hoạch, hài hòa lợi ích các bên” – ông Thức nói.

3.400 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư dự án sân bay An Giang theo quy hoạch sân bay An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Diện tích đất cho dự án trên 235 ha, chia hai giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2020 có một đường hạ/cất cánh dài 1.850 m, rộng 45 m, có khả năng tiếp nhận máy bay ATR72 và tương đương; sau năm 2020 sân bay được nâng cấp có khả năng tiếp nhận máy bay Airbus A321 và các loại tương đương. 

Còn đứng ở góc độ ngành GTVT địa phương, ông Thức cho rằng vấn đề cấp thiết nhất với giao thông An Giang hiện nay là trung ương quan tâm xúc tiến triển khai đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ – An Giang – Phnom Penh (Campuchia). Đồng thời tranh thủ nguồn vốn cho dự án tuyến tránh Long Xuyên, hệ thống các tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn trên địa bàn. “Nếu đầu tư cho được cao tốc Cần Thơ – An Giang – Phnom Penh (Campuchia) thì thực chất cự ly di chuyển từ An Giang về sân bay Cần Thơ theo đường cao tốc chỉ khoảng 45 phút nên rất thuận tiện” – ông Thức nói.

Để rộng đường dư luận, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang, để hỏi rõ hơn quan điểm của tỉnh trong việc đưa sân bay An Giang mời gọi đầu tư. Đến cuối giờ chiều 5-10, trao đổi qua điện thoại, ông Thi cho biết tỉnh đang cho cơ quan tham mưu xem xét các nội dung dự án để báo cáo và sẽ hồi đáp sớm nhất.

Bộ GTVT loại khỏi quy hoạch

Đại diện Bộ GTVT cho biết bộ này chưa nhận được thông tin tỉnh An Giang tái khởi động xây sân bay An Giang. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GTVT, trước đây phía UBND tỉnh An Giang có đề xuất xây dựng sân bay này nhưng qua nghiên cứu thấy hiệu quả kinh tế thấp nên Bộ GTVT không đồng ý và loại khỏi quy hoạch.

Cũng liên quan việc xây sân bay An Giang, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định hiện nay ở khu vực này đã có nhiều sân bay như Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau. Quá trình vận hành cho thấy lượng khách bay đến các sân bay này rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. “Việc xây dựng sân bay phải tính đến hiệu quả kinh tế, không thể mang vốn đi đầu tư mà không tính đến hiệu quả được. Nếu để cho ACV thì đơn vị chắc chắn không làm. Còn tỉnh muốn kêu gọi nhà đầu tư khác đó là quyền của tỉnh nhưng phải xem sân bay này có nằm trong quy hoạch không” – vị đại diện này nói.

VIẾT LONG

GIA TUỆ

About 360thitruong

Check Also

Thu phí đỗ ô tô: Chủ trương đúng, nhưng…

Doanh thu một tháng đạt hơn 184 triệu đồng nhưng chi phí phục vụ việc ...

Trả lời