Home / Giáo Dục / Tin-Sự Kiện / Viện Ngôn ngữ học Việt Nam từ chối thẩm định “công trình chữ VN song song 4.0”

Viện Ngôn ngữ học Việt Nam từ chối thẩm định “công trình chữ VN song song 4.0”

Công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được cấp bản quyền lại một lần nữa dấy lên những tranh cãi. Tác giả công trình cho biết, sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định vì một công trình nghiên cứu cần có ý kiến từ chuyên gia thì mới có bước tiến. Tuy nhiên, phía Viện Ngôn ngữ học VN cho biết, đã từ chối việc thẩm định này.

Công trình chữ Việt Nam song song 4.0

Bộ chữ Việt Nam song song 4.0 kết hợp từ 2 công trình Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ cục Bản quyền tác giả (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Được biết, Chữ VN song song 4.0 là sự kết hợp giữa công trình nghiên cứu về chữ Việt không dấu của Kiều Trường Lâm trong suốt 27 năm với công trình Chữ Việt nhanh của ông Trần Tư Bình được sáng tạo năm 2008.

Theo đó, “Chữ Việt Nam song song 4.0” chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ. Hiện tại, “Chữ Việt Nam song song 4.0” tạm được gọi là “Chữ VN song song 4.0”. Tác giả Kiều Trường Lâm cho biết, “Việt Nam” được viết tắt thành “VN” vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên.

Tác giả Kiều Trường Lâm và ví dụ về “Chữ Việt Nam song song 4.0” của anh và tác giả Trần Tư Bình.

Cụ thể, bỏ bớt dấu sắc ở mọi từ có chữ cái cuối là: C, P, T, CH, chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH. Ở phụ âm cuối, chữ thì G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O…

Và cùng lúc thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L… Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, ghi gọn được 52 vần trên mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ thuyết chuyện = thyd chỵl. Tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau…

Sau khi công bố toàn bộ nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông, tác giả vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Thậm chí, nhiều ý kiến tỏ ra phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối. Một số ý kiến chỉ trích, loại chữ này chỉ thừa thãi và rắc rối vì có quá nhiều quy ước.

Chia sẻ với báo chí, tác giả công trình cho biết, thời gian sắp tới khi dịch Covid-19 kết thúc, anh sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học thẩm định nghiên cứu của mình. Theo anh Lâm, một công trình nghiên cứu cần có ý kiến từ chuyên gia, thì mới có bước tiến.

Viện Ngôn ngữ học Việt Nam từ chối thẩm định

Sáng 3/4, trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đánh giá của các nhà nghiên cứu thì  chữ quốc ngữ dưới dạng hiện tại chúng ta đang dùng có thể xem là xuất phát từ chữ quốc ngữ đã được hiệu chỉnh trong từ điển của Pigneau de Béhaine. Và đã có rất nhiều tác giả, có rất nhiều nghiên cứu về những cải cách, những thay đổi nhưng đều thất bại, đi vào ngõ cụt.

Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Đây chính là một trong những lí do trong một thời gian dài, liên tục có một số ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau, thậm chí cải tổ cơ bản.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

Vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, vấn đề liên quan đến chữ Quốc ngữ nên được tiếp tục thảo luận là chuẩn chính tả, bởi tuy chính tả đã định hình cơ bản, nhưng vẫn còn một số trường hợp có sự tranh chấp về cách viết.

Trên cơ sở diện mạo chữ Quốc ngữ đã được xác lập, định hình, cần nghiên cứu để đi đến chuẩn chính tả: vấn đề viết y/i, vấn đề viết hoa tên tổ chức, đoàn thể, vấn đề phiên âm hay để nguyên dạng tên riêng nước ngoài, vấn đề vị trí đánh dấu thanh…Những vấn đề này tưởng đơn giản nhưng sự thật lại rất quan trọng trong kỉ nguyên kỹ thuật số hiện nay.

“Khi nhìn lại lịch sử những đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ hơn 100 năm qua, xin đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả, một việc rất cần thiết trong giai đoạn này”, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông tin với phóng viên về việc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ thực hiện thẩm định công trình “chữ Việt Nam song song 4.0” của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, ông Hiệp cho biết, tác giả đã có đề nghị nhưng ông đã từ chối việc thẩm định công trình này.

Ông cho rằng, các nhà nghiên cứu ai thích cải cách thì cứ việc nghiên cứu, mày mò thêm cái này bớt cái kia và nêu đề nghị cải cách, nhưng chỉ thảo luận trong nhóm nhỏ học thuật, như một thú vui gọi là thú vui “cải cách chữ viết”, giống như thú vui sưu tầm đồ cổ mà thôi. Bởi lẽ cải cách chữ viết hiện nay là vấn đề của thực tiễn và xã hội, các dự án cải cách chữ Quốc ngữ hiện nay đều không có cơ sở thực tiễn và cơ sở xã hội.

 

Theo nguoiduatin.vn

 

About 360thitruong

Check Also

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các thầy cô KHÔNG tung tin thất thiệt về COVID-19 trong nhóm kín

Trước tình hình tràn lan các tin tức giả mạo về Covid-19, Sở GD&ĐT Hà ...

Trả lời