Home / Sức Khỏe / Nhịp Sống / Phi công người Anh 5 lần âm tính, 30 người tình nguyện hiến phổi

Phi công người Anh 5 lần âm tính, 30 người tình nguyện hiến phổi

Đến chiều 14-5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, trong khi đó đã có 30 người đề nghị hiến tặng phổi cho bệnh nhân phi công người Anh.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến 18h ngày 14-5, Việt Nam không có ca bệnh mới. Như vậy đã 7 ngày liền Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, đồng thời đã 28 ngày không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 mới từ cộng đồng.

Trong ngày có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 28 bệnh nhân đang điều trị.

Liên quan bệnh nhân 91 (phi công người Anh, ca bệnh nặng nhất hiện nay), ông Nguyễn Hoàng Phúc – phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, chiều 14-5 cho biết đã có 30 người đề nghị hiến tặng phổi cho bệnh nhân này.

30 người này sống ở nhiều vùng miền, người trẻ nhất mới 35 tuổi, một số người đã gửi kèm thông tin về chiều cao và nhóm máu đến trung tâm và đều tình nguyện hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân phi công người Anh.

“Những người tình nguyện chia sẻ họ mong muốn hiến tạng cứu bệnh nhân nặng, như một hành động đồng hành cùng nỗ lực của mọi người Việt khác ngăn chặn dịch bệnh và cũng là vì muốn giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng của mình”, ông Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết vẫn ưu tiên số 1 là tìm nguồn tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để ghép cho bệnh nhân.

Theo ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – hiện bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới, nhưng do bệnh nhân vẫn đang phải điều trị nhiễm trùng nên cần điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi chỉ định ghép phổi.

“Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân sẽ làm thêm 1 xét nghiệm và gửi Viện Pasteur TP.HCM để nuôi cấy xem virus đã bất hoạt và đối chứng trước khi chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy để hồi sức. Đây đang là giai đoạn chuẩn bị điều kiện để có thể ghép phổi cho bệnh nhân”, ông Khuê cho biết.

Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị bệnh nhân phi công người Anh, hồi sức và phối hợp với Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân khi đủ điều kiện. Cục Quản lý khám chữa bệnh nghiên cứu xem xét các quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị và tìm kiếm nguồn tài trợ cho ca ghép đặc biệt này.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, nơi đã thực hiện 3 ca ghép phổi từ người hiến phổi đã chết não, chi phí cho 1 ca ghép phổi tùy tình trạng của bệnh nhân nhận phổi và tùy thời gian điều trị hồi sức sau ghép, thường lên tới 1,5-2 tỉ đồng.

Theo tuoitre.vn

 

About 360thitruong

Check Also

Đêm giao thừa của tổ truy vết nCoV biến chủng

Biến chủng virus mới khiến các ca lây nhiễm tăng nhanh, nhiều bệnh nhân không ...

Trả lời