Tiến sĩ – luật sư Bùi Quang Tín là cộng tác viên quen thuộc của Báo Người Lao Động. Một ngày trước khi mất, ông đã gửi đến Báo Người Lao Động bài viết dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu.
VỰC DẬY KINH TẾ, CẦN GẤP GÓI LÃI SUẤT 0%
“Nâng gói hỗ trợ nhiều hơn. Qua cơn đại dịch, chúng ta phải làm gì để vực dậy nền kinh tế?” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 5 thành phố lớn và một số bộ, ngành vào cuối tháng 3-2020.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách, nghiên cứu việc cho vay lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp (DN) .
Nguy cơ thiếu hụt thanh toán
Đầu tháng 3-2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ 0,5 điểm % về dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009; đồng thời, cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.
Cách đây 1 tuần, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế nước ta năm 2020 chỉ tăng trưởng 4,9% nếu dịch bệnh kết thúc sớm, còn trường hợp kéo dài đến cuối năm 2020 thì tăng trưởng 1,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8%.
Để vực dậy nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản…đã khẩn cấp hạ lãi suất về gần 0% hoặc lãi suất âm, đưa thêm tiền ra thị trường qua việc thu mua trái phiếu giúp DN trả lương cho người lao động, trang trải chi phí hoạt động, thanh toán nợ nần…Mặc khác, các quốc gia này còn ban hành chính sách giảm thuế; tăng thêm chi tiêu của Chính phủ để tạo ra việc làm giúp người dân có thu nhập, kích thích tiêu thụ – sản xuất hàng hóa.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã định hướng cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chuẩn bị ban hành chính sách gia hạn 18.000 tỉ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; gấp rút giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ USD), đưa ra nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội…
Đặc biệt, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất 0,5%-3%/năm, khoanh giãn nợ cho các các khoản vay cũ; triển khai gói cho vay mới 250.000 tỉ đồng với lãi suất thấp nhất 4,5%/năm…Thế nhưng, các giải pháp này là nguồn lực tự nguyện của các NHTM, còn Chính phủ chưa sử dụng ngân sách để bù đắp việc giảm lãi suất; khoanh, giãn nợ cho người đang vay tiền từ các NHTM.
Do dịch bệnh ngày càng lan rộng nên hiện nay việc tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước vô cùng khó khăn. Từ đó, cá nhân và DN giảm thu nhập làm cho tình hình thanh toán có nguy cơ thiếu hụt dây chuyền. Do đó, Chính phủ thiết lập gói cho vay lãi suất 0% sẽ tạo ra dòng tiền hỗ trợ người dân, DN duy trì hoạt động, khôi phục sản xuất – kinh doanh trong và sau khi hết đại dịch Covid – 19.
Tiền lấy từ đâu?
Trong bối cảnh nước ta giãn cách xã hội, năng lực tài chính của người dân và DN sụt giảm, nếu gói cho vay lãi suất 0% thành hiện thực sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế. Vậy, tiền đâu để cho vay?
Giả sử Chính phủ huy động vốn từ các NHTM để cho vay lãi suất 0% sẽ bất khả thi. Bởi lẽ, các NH còn phải trang trải chi phí kinh doanh nên không thể cho vay với lãi suất bằng không. Như thế, số tiền cho vay phải huy động từ ngân sách và từ nguồn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo đó, Việt Nam có thể nhận được tài trợ 50 triệu USD từ World Bank, 400 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Ngoài ra, nước ta còn có thêm nguồn tài trợ nằm trong 6,5 tỉ USD mà Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ cho các quốc gia thành viên.
Để triển khai gói lãi suất 0%, Chính phủ có thể giao cho một số NHTM làm trung gian cho vay, xác định cho vay tín chấp hay có thế chấp tài sản. Nếu cho vay tín chấp thì liệu trong tổng số nguồn vốn dự kiến cho vay sẽ có bao nhiêu vốn không thu hồi được? Còn cho vay thế chấp thì cái khó là người vay không còn tài sản để giao cho NH xử lý khi họ không trả được nợ. Mặt khác, trong và sau dịch bệnh, dòng tiền của khách hàng luôn gặp khó khăn. Nếu chẳng may họ không thanh toán được tiền vay, nợ xấu của NH sẽ tăng lên, ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế.
Không thực hiện đại trà, quy trách nhiệm ngân hàng
Thế nhưng, “càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói. Do đó, với gói lãi suất 0%, các NHTM không cho vay đại trà mà cần đưa ra tiêu chí, chọn lựa từng khách hàng có khả năng kinh doanh thành công để cho vay, nếu không sẽ dẫn đến tác dụng ngược: “NH đứng cho vay, quỳ đòi nợ”.
Theo đó, NH có thể nới lỏng các điều kiện giải ngân cho nhóm khách hàng trước đây từng sản xuất – kinh doanh hiệu quả; có dòng tiền trôi chảy, lịch sử thanh toán nợ đúng hạn… nhưng hiện đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu NHTM cho vay không đúng địa chỉ, dẫn đến không thu hồi được nợ thì Chính phủ cần quy trách nhiệm cho NH đó. Bởi việc thẩm định, xét duyệt cho vay là do NH thực hiện. Trong khi đó, NH luôn nắm bắt được mọi thông tin của DN nên không có lý do gì giải ngân “nhầm” đối tượng. Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách cho vay lãi suất 0% là một trong những biện pháp cấp bách giải cứu DN nhưng đồng thời giải cứu cả NH.
Như thế, khi NH chọn lọc chính xác đối tượng giàu tiềm năng để cho vay lãi suất 0%, DN sẽ có thêm dòng tiền để phục hồi sản được sản xuất – kinh doanh, giúp hoạt động của NH tốt lên.
Điều tra làm rõ nguyên nhân khiến ông Bùi Quang Tín tử vong
Đêm 5-4, tin từ Công an huyện Nhà Bè, TP HCM cho biết công an huyện này đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai các nhân chứng liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân khiến ông Bùi Quang Tín tử vong tại một chung cư trên địa bàn.
Theo thông tin từ một số người bạn của tiến sĩ – luật sư Bùi Quang Tín, chiều cùng ngày, ông có đi với nhóm bạn. Sau đó, ông đến nhà một người bạn sống tại chung cư ở huyện Nhà Bè để bàn công việc. Khoảng 19 giờ thì họ nhận được tin ông Tín rơi từ tầng 14 chung cư này xuống đất tử vong.
Tiến sĩ – luật sư Bùi Quang Tín là giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, am hiểu sâu rộng về lĩnh vực kinh tế. Ngoài công tác giảng dạy, ông còn tham gia viết báo, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách, phát triển kinh tế, nhất là trong mảng tài chính – ngân hàng. Tiến sĩ – luật sư Bùi Quang Tín cũng là cộng tác viên quen thuộc của
Theo Báo Người Lao Động.